“Thương nhau múc bát chè xanh
Làm tô mì Quảng mời anh xơi cùng”
Nếu ai một lần đến với Quảng Nam hẳn không thể nào quên được một món ăn bình dị, dân dã và cũng rất Quảng, đó là món mì đặc trưng của xứ này: Mì Quảng.
Từ miền quê đến thành phố, chỗ nào chúng ta cũng có thể tìm đuợc một quán mì, có quán nằm lặng lẻ ven tuyến đường quê, có quán lại lọt thỏm giữa ồn ào phố thị…Tuy vậy, mì quảng ở đâu cũng giữ đuợc những nét rất đặc trưng; ngon miệng, hấp dẫn mà đằm thắm và gần gũi lạ.
Hãy nghe cô gái ngày xưa mời gọi:
“Mì em mới tráng còn tươi
Anh ăn vài bát cho người khoẻ ra
Khoẻ ra lên rú xuống nà
Thế nào cũng được dăm ba gánh củi đầy…”
Đó có thể là lời đẩy dưa, đó có thể là lời nói của cô bán hàng. Nhưng thực tình mà nói, Mì Quảng cũng không hề làm cho bạn thất vọng.
Với một nguyên tắc chung là sợi mì bằng bột gạo – gạo trong cho sợi mì màu trắng, gạo đỏ cho sợi mì màu nâu, có khi cho tí nghệ để có loại mì vàng, cùng được chấp nhận hết – và một loại nhưng nhị cô đặc làm bằng bất cứ thực phẩm nào cũng được, ta thấy rằng mì Quảng là một món biến hóa khôn lường, và đó chính là điều làm nổi bật tính cách dân gian của nó, dễ dãi tùy theo sản phẩm mà địa phương hoặc gia đình có được mà tô mì sẽ có một hương vị như thế nào.
Mì Quảng phơi khô là một biến thể nữa của mì Quảng, trong những năm đời sống nhân dân còn đói khổ, khi người dân Quảng Nam làm mì quảng để ăn, nhiều khi không dùng hết nếu để lại sẽ hỏng mì thế là bà con tìm cách giữ lại và phơi khô là cách hữu hiệu bảo quản sợi mì được lâu và rất tiện ích mỗi khi cần sử dụng có thể cho vào nước đun sôi là có món mì quảng, thói quen trở thành tập quán nhiều địa phương, bà con thường tráng mì và phơi khô để dành làm thực phẩm ăn dần trong mùa mưa bảo, dần dần mì quảng phơi khô được trao đổi mua bán như sản phẩm hàng hóa địa phương.
Ngày nay với phát triển nghề làm bánh tráng và mì quảng, Mì quảng có thể phơi nắng khô hoặc bằng cách sấy mì vẫn giữ được mùi, vị đặc trưng.