LNV - Thời gian qua, ở huyện Tiên Phước, các bước xây dựng, định hình thương hiệu cho sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chú trọng. Sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương giúp chủ thể OCOP mạnh dạn nâng tầm sản phẩm.
Tiếp nối thành công của sản phẩm Bánh tráng lề Địch Yên, Tổ hợp tác (THT) Sản xuất bánh tráng Địch Yên (xã Tiên Phong) đang hoàn thiện các khâu để giới thiệu ra thị trường sản phẩm mới Mỳ Quảng sấy khô Địch Yên và Bánh tráng Địch Yên. Các sản phẩm mới cũng được THT đăng ký tham gia OCOP.
Tổ trưởng THT - Hứa Đại Dương cho biết: “Năm 2019, sản phẩm Bánh tráng lề Địch Yên đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn 4 sao, đây là động lực quan trọng để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm mới. Bởi, sau khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP, THT đã được hỗ trợ sau đầu tư 200 triệu đồng cho dây chuyền máy sấy và hoàn thiện bao bì sản phẩm. Nguồn hỗ trợ này giúp chúng tôi có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng nhà xưởng lên 300m2; một số loại máy móc mới cũng đã được đưa vào chuyền sản xuất gồm máy vo gạo, bánh tráng tròn, máy nướng bánh, máy tráng mỳ, máy hút chân không, đóng date. Tổng kinh phí đầu tư mới trong năm 2020 chúng tôi đã thực hiện hơn 700 triệu đồng”.
Năm 2019, sản phẩm Bánh tráng lề Địch Yên được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn 4 sao. Ảnh: D.L
Trên nền tảng kinh tế vườn phát triển mạnh, nhiều sản phẩm của Tiên Phước như tiêu, trầm hương, lòn bon, thanh trà, nghệ... đã được các hợp tác xã, THT chế biến, đăng ký tham gia và xây dựng thương hiệu OCOP. Từ đó, nhiều sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn từ 3 sao trở lên của huyện Tiên Phước liên tục được giới thiệu trên thị trường.
Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, các chủ thể tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm, đầu tư mẫu mã cho các sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm sạch trên thị trường. Như THT Nông nghiệp & dịch vụ Tiên Ngọc dù chỉ mới được hình thành, nhưng đã tính đến con đường lâu dài. Hiện nay THT chỉ sản xuất sản phẩm tinh bột ngải (nghệ trắng) để tham gia chương trình OCOP năm 2020. Theo kế hoạch, sau khi sản phẩm tinh bột ngải đạt chuẩn OCOP, THT sẽ sản xuất thêm các sản phẩm viên tinh bột nghệ trắng nguyên chất, tinh bột nghệ trắng viên mật... nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Theo ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Tiên Phước, các chủ thể, người dân của Tiên Phước dành rất nhiều tâm huyết cho chương trình OCOP. Sản phẩm tham gia chương trình của Tiên Phước được UBND tỉnh đánh giá đi đầu trong toàn tỉnh, chính nhờ sự vào cuộc của người dân. Các xã, thị trấn, phòng ban liên quan của huyện đã cùng vào cuộc, đồng hành, hỗ trợ người dân, hợp tác xã, THT trong lựa chọn, đầu tư và hoàn thiện sản phẩm từ ý tưởng của các chủ thể. Các xã, thị trấn định hướng chủ thể phát triển sản phẩm dựa trên quy hoạch vùng nguyên liệu, giúp chủ thể liên kết với người dân đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo đầu vào cho sản phẩm. Về phía huyện hỗ trợ tích cực cho chủ thể tham gia chương trình ở các khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, làm cầu nối cho đầu ra của sản phẩm OCOP bằng nhiều con đường khác nhau.
Ông Phùng Văn Huy cho biết: “Sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các chủ thể và giữa chính quyền địa phương với chủ thể sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ để đưa thương hiệu sản phẩm OCOP của Tiên Phước đi xa hơn. Nhiều THT, hợp tác xã nhạy bén, mạnh dạn đầu tư công nghệ sản xuất mới, đảm bảo cho sản phẩm đạt cả về chất lượng, mẫu mã. Nhiều sản phẩm kinh tế vườn của Tiên Phước xây dựng được thương hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, đăng ký sở hữu kiểu dáng công nghiệp, tem truy xuất nguồn gốc, mã số vạch... Chính từ việc phát triển các sản phẩm OCOP đã nâng cao giá trị hàng hóa nông sản Tiên Phước, cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”.